Song long Plastic Song long Plastic

Người thương binh làm kinh tế giỏi

15.07.2024

NDO – Từ nhiều năm nay, thương hiệu “Song Long plastic” trên hàng trăm sản phẩm đồ nhựa gia dụng, điện máy… đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước. Người nỗ lực làm nên thành công của thương hiệu đó là một thương binh nặng – ông Nguyễn Gia Thọ, Chủ nhiệm HTX Song Long (nay là Công ty Nhựa Song Long).

nguoi-thuong-binh-lam-kinh-te-gioi-1

Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Nhựa Song Long Nguyễn Gia Thọ là một trong những người sáng lập và lãnh đạo chính của công ty từ những ngày đầu thành lập

Năm 1971, chàng thanh niên Nguyễn Gia Thọ, 18 tuổi, rời quê hương Ðan Phượng (Hà Nội) lên đường nhập ngũ, anh được bổ sung vào đơn vị bộ đội chiến đấu tại mặt trận khu vực Quảng Nam – Ðà Nẵng. Năm 1972, đơn vị anh gặp trận càn quy mô lớn của địch, anh Thọ bị thương nặng ở chân và phía sau đầu, phải đưa về trạm phẫu thuật tiền phương chữa trị. Vết thương chưa lành hẳn, anh lại xin tiếp tục tham gia chiến đấu. Ngày 29-3-1975, anh cùng đơn vị từ chiến trường Ðá Ðen, Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vượt sông Thu Bồn, tiến công vào căn cứ của địch, góp phần giải phóng thành phố Ðà Nẵng… Với những chiến công xuất sắc trên chiến trường, anh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba…

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, năm 1979, thương binh nặng, hạng 4/4 Nguyễn Gia Thọ trở về Hà Nội tham gia xây dựng kinh tế tập thể. Lúc này, tình hình sản xuất của các HTX gặp rất nhiều khó khăn, do thiết bị lạc hậu, sản xuất manh mún, lãnh đạo và xã viên HTX còn nặng tư tưởng bao cấp. Công ty Nhựa Song Long đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể, vì sản xuất cầm chừng, xã viên không có việc làm. Năm 1992, ông Thọ được bầu làm Chủ nhiệm HTX Song Long (nay là Công ty Nhựa Song Long). Ông cùng xã viên quyết định chuyển đổi hoạt động của Nhựa Song Long theo mô hình mới, tập trung đầu tư sản xuất các mặt hàng nhựa dân dụng và công nghiệp bằng công nghệ hiện đại. Nhưng thời điểm đó, Nhựa Song Long chỉ có 9 xã viên với số vốn hơn 300 triệu đồng, nhà xưởng thì chật hẹp, biết tìm đâu ra nguồn vốn để đổi mới công nghệ? Ông đã mạnh dạn tìm đến Công ty cho thuê tài chính, thế chấp nhà xưởng để vay tiền trang bị máy móc hiện đại, tổ chức lại sản xuất, nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm nhựa Song Long với hình thức đẹp, bền, giá cả phù hợp với người tiêu dùng, đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Chỉ một năm sau khi chuyển đổi mô hình sản xuất, doanh thu của Nhựa Song Long đã đạt 985 triệu đồng.

Sau những kết quả bước đầu, Nhựa Song Long lại tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ xưởng sản xuất rộng nhỏ ở quận Long Biên, đến nay Nhựa Song Long đã có hàng nghìn m2 nhà xưởng tại khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên), hơn 150 máy ép phun tự động, 25 dàn máy thổi hiện đại… Với tình cảm dành cho các đồng đội trên chiến trường xưa, Chủ nhiệm Nguyễn Gia Thọ còn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng một nhà máy nhựa ở Ðà Nẵng, tạo công ăn việc làm cho nhiều con em cựu chiến binh và nhân dân địa phương. Ðến nay, Nhựa Song Long đã sản xuất hơn 500 mặt hàng nhựa mang nhãn hiệu “Song Long Plastic”, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam, sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhựa gia dụng trong và ngoài nước. Từ năm 2004 đến 2011, thương hiệu Song Long được bình chọn là một trong 100 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam.

Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp, doanh số, lợi nhuận, nộp ngân sách của Nhựa Song Long hằng năm đều tăng cao. Từ chỗ bên bờ vực phá sản, Nhựa Song Long đã trở thành một điển hình tiên tiến của khối kinh tế tập thể của Hà Nội và cả nước, được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” mà công lớn thuộc về người thương binh làm kinh doanh giỏi Nguyễn Gia Thọ.

Nguồn: nhandan.vn